Chuyển giao công nghệ

Xem tất cả

Hỏi đáp về chính sách thuế tại Hội thảo tư vấn các chính sách thuế năm 2014 tại Trường Đại học Cần Thơ

Các nội dung hỏi - đáp về chính sách thuế
tại "Hội thảo tư vấn các chính sách thuế năm 2014" tại Trường Đại học Cần Thơ
(Ngày 12/9/2014)

 

Câu 1.  Kể từ 02/8/2014 những hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì buộc phải thanh toán bằng chuyển khoản, mọi sự thanh toán bằng tiền mặt xem như không hợp lệ và không tính vào chi phí (chứng từ này sẽ bị xuất toán) có đúng không? Như vậy những hóa đơn có giá trị 19 triệu đồng vẫn được sử dụng và thanh toán bằng tiền mặt?

Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  1. a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
  2. b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  3. c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, từ ngày Thông tư số 78/2014/TT-BTC có hiệu lực (02/8/2014) các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có hóa đơn trị giá từ 20 triệu trở lên nhưng thanh toán bằng tiền mặt thì không đủ điều kiện để hạch toán chi phí.

Câu 2. Năm 2014, khi trả lương cho người lao động, không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng khóan việc dưới 3 tháng, người này đã có Mã số thuế TNCN. Người lao động cam kết thu nhập của họ không vượt quá 108 triệu đồng/năm (trường hợp người này chỉ có 01 nguồn thu nhập thì chúng tôi cho họ làm tờ cam kết số 23) có đúng không?

Trả lời: Đúng. Trả lương cho người lao động đã có Mã số thuế TNCN không có hợp đồng hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng, có 01 nguồn thu nhập dứơi 108 triệu đồng/năm và có thu nhập duy nhất thì đơn vị hướng dẫn cho người lao động làm bảng cam kết theo mẫu số 23 của Thông tư số 156/2013/TT-BTC .   

- Khoản 1 Điều 9 trong Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định: Mức giảm trừ người lao động 9 triệu/ tháng; người phụ thuộc 3,6 triệu /tháng.

- Điểm i, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định về khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác:

“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.”

Câu 3. Đơn vị chúng tôi thực hiện nghiên cứu khoa học và thử nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho các công ty, chúng tôi làm hợp đồng giao khoán cho quý thầy, cô để làm các thí nghiệm này. Hợp đồng trên bao gồm: công lao động và vật tư,… (do không thể có hóa đơn chi tiết của vật tư) Quý thầy cô muốn thanh toán với chúng tôi bằng hóa đơn tổng giá trị hợp đồng giao khoán, nhưng hiện nay có phường không cung cấp hóa đơn dưới 100 triệu đồng, như vậy cho xin hỏi chúng tôi lấy hóa đơn ở đâu?

Trả lời: Căn cứ Khoản 25 Điều 4 Thông tư số 219/2014/TT-BTC ngày 31/12/2013 và Khoản 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định rõ đối tượng không chịu thuế GTGT nên cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ. Trong trường hợp này, để được khấu trừ thuế đơn vị phải làm hợp đồng giao khoán để trả tiền lương, tiền công và lập bảng kê mua vào hàng hóa dịch vụ theo mẫu 01/TNDN trong Thông tư số 78/2014/TT-BTC kèm chứng từ thanh toán cho người bán.

Câu 4. Phân biệt 2 loại hợp: hợp đồng nghiên cứu và hợp đồng tư vấn. Các mức thuế suất tương ứng áp dụng cho phương pháp tính thuế trực tiếp?

Trả lời: Căn cứ vào Phụ lục Bảng danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu ban hành kèm theo thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Hợp đồng hoạt động nghiên cứu (là hợp động dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại  Luật khoa học và công nghệ) thì thuế suất 5%; thuộc hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ 2% trên doanh thu;

Trường hợp hợp động nghiên cứu (không theo quy định tại luật khoa học và công nghệ thì  thuế suất thuế GTGT là 10%; thuộc Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu : tỷ lệ 5% trên doanh thu.

Câu 5. Một hợp đồng có bao gồm hoạt động đào tạo (tập huấn) và hoạt động nghiên cứu, tư vấn. Vậy khi xuất hóa đơn , cùng 01 hóa đơn có thể chia ra các phần giá trị tương ứng với đào tạo, nghiên cứu, tư vấn hay không?

Trả lời: Căn cứ khoản 13 Điều 4 hoạt động đào tạo không chịu thuế GTGT. Hợp đồng hoạt động nghiên cứu (là hợp động dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại  Luật khoa học và công nghệ) thì thuế suất 5%; trường hợp khác thuế suất thuế GTGT là 10%; Trên cùng hóa đơn có thể ghi 2 loại hàng hóa tương ứng với phần giá trị hàng hóa… Tuy nhiên khi kê khai cùng 01 hóa đơn nhưng sẽ kê khai trên 2 dòng tương ứng với thuế suất tại phụ lục hàng hóa bán ra.

Câu 6. Năm 2013, Trung tâm Ngoại ngữ thuộc diện chịu thuế TNDN với thuế suất là 22% chênh lệch thu chi, nhưng tại thời điểm quyết toán và nộp thuế TNDN chưa cập nhật được chính xác văn bản là Quyết định hay Thông tư gì về vấn đề thực hiện nghĩa vụ nộp thuế TNDN với thuế suất nói trên. Do vậy đơn vị vẫn quyết toán và nộp thuế TNDN là 25% chênh lệch thu chi. Như vậy , năm 2014, Trung tâm Ngoại ngữ có được quyết toán giảm nộp thừa 3% thuế TNDN năm 2013 không? Nếu được làm như thế nào?

Trả lời: Tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 hướng dẫn khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:

“a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Đối với loại thuế có kỳ quyết toán thuế năm: Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế tạm nộp của tháng, quý có sai sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp hồ sơ khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế năm làm giảm số thuế phải nộp nếu cần xác định lại số thuế phải nộp của tháng, quý thì khai bổ sung hồ sơ khai tháng, quý và tính lại tiền chậm nộp (nếu có).

Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh:

- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện.”

Như vậy Trung tâm được điều chỉnh tờ khai thuế. Nếu có số thuế phát sinh nộp thừa thì sẽ được bù trừ vào số thuế phát sinh của kỳ tiếp theo.

Câu 7. Bao lâu phần mềm hỗ trợ kê khai có phiên bản mới để đơn vị biết kịp thời cập nhật?

Trả lời: Phần mềm hỗ trợ trợ kê khai nhằm đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp khi kê khai thuế phù hợp với chính sách thuế khi có sự thay đổi đồng thời khắc phục nhưng lỗi của phiên bản trước, vì vậy không có quy định thời gian cụ thể, khi có phiên bản mới cơ quan thuế sẽ thông tin rộng rãi bằng các phương tiện trên website Tổng cục Thuế: www.gdt.gov.vn và gửi đến email của doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp có đăng ký với cơ quan thuế) để cập nhật kịp thời.

Câu 8. Tiểu mục thuế TNDN là 1052, còn tiểu mục thuế TNDN chậm nộp là tiểu mục mấy?

Trả lời: Mục lục ngân sách nhà nước cụ thể như sau: Thuế TNDN là 1052, Thuế GTGT: 1701, Phạt chậm nộp tiền thuế là tiểu mục 4911; Phạt chậm nộp tiền thuế TNCN là: 4268; Phạt vi phạm hành chính về thuế : 4254.

Riêng Tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính do cơ quan thuế quản lý: tiểu mục: 4272 (Thông tư số 104/2014/TT-BTC ngày 7/8/2014 có hiệu lực từ 20/9/2014). 

Câu 9. Khi đơn vị nộp thuế TNDN và tiền chậm nộp thuế TNDN tại ngân hàng, ngân hàng không biết tiểu mục của chậm nộp thuế TNDN, ngân hàng chỉ nhận thu tiền thuế TNDN, không thu tiền chậm nộp. Vậy số tiền chậm nộp này có bị tính phí chậm nộp nữa hay không?

Trả lời: Theo quy định Thông báo nợ tiền thuế và phạt chậm nộp tiền Thuế , cơ quan thuế đều có thông báo NDKT (tiểu mục) trừ trường hợp kê khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp và trong đó có tiền nộp chậm doanh nghiệp không biết NDKT (tiểu mục) để ghi giấy nộp tiền vì vậy thông tin nộp thuế trên giấy nộp tiền Doanh nghiệp ghi chưa rõ, ngân hàng không xác định được NDKT (tiểu mục) .

Liên quan đến phạt chậm nộp tiền thuế chỉ tính trên số nợ thuế và phạt vi phạm hành chính về thuế (không phạt chậm nộp trên số tiền chậm nộp).

Kể từ 01/9/2014, khi nộp thuế vào NSNN, đơn vị sử dụng Mẫu bảng kê ( nếu là tiền mặt) hoặc Mẫu Giấy nộp tiền C1-02 ( nếu chuyển khoản) ban hành kèm theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014.

Câu 10. Những điều kiện nào để Trung tâm đóng thuế TNDN với thuế suất 22% và thuế suất 20%?

Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 11 trong Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

“1. Kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi.

Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.

Căn cứ Khoản 1 Điều 11 trong Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

“2. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.”

Như vậy Thuế suất thuế TNDN năm 2014 như sau:

- Thuế suất phổ thông 22%

- Trường hợp Trung tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng thuế suất 20% .

Câu 11. Trường hợp ghi sai một trong những nội dung trên hóa đơn như: Mã số thuế; địa chỉ; tên đơn vị thì được lập biên bản điều chỉnh hóa đơn và vẫn giữ nguyên hóa đơn đã ghi thiếu một trong nhưng nội dung trên phải không?

Trả lời: Căn cứ khoản 15 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định:

“15. Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

- Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);

- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;

- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều này);”

Căn cứ Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 quy định:

20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập:

  1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.
  2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hoá đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hoá đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hoá đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hoá đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hoá đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.
  3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
  4. Hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập trong một số trường hợp cụ thể thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.”

Câu 12. Trường hợp hóa đơn đầu vào của TTDV&CGCN: Trên phần mềm kế toán của đơn vị bán hàng thì đơn giá bán có thể hiện số tiền lẻ ( VD: 24.545,454 đồng) nhưng trên hóa đơn thì không thể hiện số tiền lẻ (Ví dụ: 24.545 đồng) Cụ thể:

* Trên phần mềm kế toán của đơn vị bán hàng:

Đơn giá (24.545,454 đồng) x SL (36) = thành tiền (883.636,34 đồng).

Thuế GTGT( 5%) = 44.182 đồng.

Tổng cộng tiền thanh toán: 927.818,16 đồng.

* Trên hóa đơn ghi:

Đơn giá(24.545 đồng) x SL (36) = thành tiền (883.636 đồng).

Thuế GTGT( 5%) = 44.182 đồng.

Tổng cộng tiền thanh toán: 927.818 đồng.

Vậy Trung tâm có chấp nhận được hóa đơn đầu vào này không vì thực tế nếu căn cứ vào hóa đơn thì chêch lệch 16 đồng, cụ thể:

Đơn giá (24.545 đồng) x đơn giá (36) = thành tiền (883.620 đồng).

Trả lời: Hóa đơn là chứng từ gốc để thanh toán giữa người mua và người bán.

Câu 13. Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 có ghi “Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt, Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải hoặc trong ngoặc đơn () hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có co cở nhỏ hơn chữ tiếng Việt”

Do chương trình kế toán của Trung tâm nên không thể điều chỉnh chữ nước ngoài nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Vậy có được chấp nhật khi xuất hóa đơn có ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn () và có cở bằng chữ tiếng việt không?

Trả lời: Đây là nội dung bắt buộc trên hóa đơn quy định tại khoản 1 điều 4 chương 1 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014, Vì vậy Trung tâm cố gắng khắc phục.

Câu 14. Trường hợp Trung tâm giải thể thì trung tâm phải làm văn bản báo cáo cơ quan thuế để xác nhận công nợ trước khi ra quyết định giải thể hay ra quyết định giải thể trước khi gửi văn bản báo cáo cơ quan thuế để xác nhận công nợ. Xin cho biết thủ tục giải thể một đơn vị trực thuộc trường.

Trả lời: Trường hợp Doanh nghiệp giải thể. Cục thuế đã có Công văn số: 1692/CT-KK&KKT ngày 21/8/2014 Hướng dẫn thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Theo đây, Trung tâm giải thể phải có thông báo giải thể gửi Sở Kế hoạch Đầu tư (nếu là DN) đồng thời gửi cơ quan thuế để cập nhật tạm đóng mã số thuế chờ giải thể. Bên cạnh đó DN phải thực hiện báo cáo quyết toán hóa đơn theo quy định cũng như quyết toán nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế,… Sau khi hoàn tất các thủ tục Trung tâm sẽ gửi công văn về cơ quan thuế để chấm dứt hiệu lực MST (nếu là đơn vị sự nghiệp thì trả lại giấy chứng nhận MST) cơ quan thuế nhận được thông báo của doanh nghiệp cùng các thông tin hoàn tất về hóa đơn, nợ thuế,… Cơ quan thuế sẽ thông báo chấm dứt hiệu lực MST (Xác nhận doanh nghiệp đã hoàn tất nghĩa vụ nộp Thuế) đề nghị doanh nghiệp liên hệ Sở KHĐT để trả giấy chứng nhận kinh doanh.

Câu 15. Hợp đồng khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật với công ty Synenta. Khi thực hiện hợp đồng này thì Trung tâm có thuê cán bộ giảng dạy (đại diện ký cho nhóm cán bộ giảng dạy) và 01 sinh viên ký đại diện cho nhóm sinh viên. Như vậy có chấp nhận không hay ký hợp đồng với từng cá nhân?

Trả lời: Hợp đồng giữa Trung tâm ký với nhóm cán bộ giãng dạy và sinh viên. Nếu là hợp đồng lao động lao động (tiền công) thì phải ký từng người và khấu trừ thuế  theo quy định, trừ trường hợp lao động thời vụ (không ký hợp đồng).

Câu 16. Vấn đề khai thuế khoán của các Trung tâm tại trường: Doanh Thu hoặc loại hình nào được đăng ký, cách chuyển đổi, thủ tục… giữa khấu trừ xuống khoán?

Trả lời: Liên quan đến phương pháp tính thuế. Có 2 phưong pháp: phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư số 219 /2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT.

1. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

  1. a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;
  2. b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;
  3. c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.”

Như vậy việc lựa chọn phương pháp tính thuế phụ thuộc vào điều kiện của trung tâm. Trường hợp Trung tâm đang thực hiện phương pháp khấu trừ nay xét không đủ điều kiện như không thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ hoặc doanh thu năm trước dưới 1 tỷ thì gửi mẫu Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế (đăng ký phương pháp tính thuế trực tiếp) tới cơ quan quản lý thuế để làm cơ sở cập nhật thay đổi thông tin đăng ký thuế.

Câu 17. Vấn đề: Trường ĐHCT (đại diện là phòng Tài Vụ) có được đăng ký dịch vụ “ dùng chung tài tài sản”, các dịch vụ khác,…. xin áp dụng thuế khoán và mua hóa đơn bán hàng?

Trả lời: Trường Đại học Cần Thơ là một pháp nhân có đăng ký MST (10 số) nhưng phòng Tài vụ không có pháp nhân, không đăng ký cấp mã số thuế riêng vì vậy không thể áp dụng thuế khoán và mua hóa đơn,…

Câu 18. Một đơn vị trong trường có tổ chức các cửa hàng bán lẻ hàng hóa phục vụ sinh viên, theo dõi bằng phần mền bán hàng (nhập xuất  theo dõi chi tiết hơn 2.000 mặt hàng, quét mã vạch để bán và in hóa đơn bán lẻ).

- Như vậy, đơn vị này có thể tổng hợp các thông tin theo dõi chi tiết nhập, xuất, bán hàng vào các tài khoản phần mềm kế toán chính của đơn vị được không?

- Hay cửa hàng nhập xuất phần mềm bán hàng và đơn vị phảo nhập, xuất lại lần thứ 2 bằng tay bằng mềm kế toán chính của Trung tâm?

Hay đơn vị phải làm cách nào cho đúng quy định?

Trả lời: Trung tâm có pháp nhân được cấp MST để hoạt động, nay muốn mở thêm chức năng kinh doanh bán hàng,… thì phải đăng ký bổ sung; Mọi hoạt động kinh doanh của đơn vị chỉ được cập nhật 01 hệ thống sổ sách chứng từ hóa đơn; Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm về việc đăng ký sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế.

Câu 19. Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan nhà nước. Trường hợp trường ĐHCT sử dụng tài sản: phòng học, hội trường để hoạt động dịch vụ có thu giảm chi tiền sử dụng chung tài sản, tiền điện nước thì có được mua hóa đơn lẻ để cấp cho người mua hàng không?

Theo quy định, tiền giảng vượt giờ phải chịu thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

Trả lời: Tiền giảng vượt giờ được coi như một khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, do đó đây là khoản phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Về việc mua hóa đơn lẻ của cơ quan thuế đối với trường hợp Trường thu giảm chi phần chi phí sử dụng chung tài sản và điện, nước. Do Trường đã có mã số thuế nên chỉ đăng ký các loại thuế phải nộp và bổ sung ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế sẽ cấp hóa đơn. Trường nên đăng ký kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp do xác định được doanh thu nhưng không xác định chi phí.

Câu 20. Hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ thực hiện “Cánh đồng mẫu” ký kết với Ban Quản lý dự án và đã kết thúc vào ngày 30/6/2014. Đơn vị đã mua hóa đơn thuế phường để thanh toán với đối tác. Trong chi phí phát sinh thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ có phát sinh tiền công tư vấn của cá nhân tham gia. Như vậy, khoản tiền công này có chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Trường hợp người tàn tật được địa phương xác nhận, hàng tháng nhận trợ cấp là 200.000 đồng có được giảm trừ gia cảnh không?

Trả lời: Thuế GTGT và thuế TNDN đơn vị đã nộp là phần của đơn vị. Khoản tiền công cá nhân nhận được từ hợp đồng nếu đủ mức chịu thuế thì vẫn phải nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần (Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, có hiệu lực từ ngày 01/10/2013).

- Trường hợp người tàn tật đã được địa phương xác nhận thì người nuôi dưỡng sẽ được đăng ký giảm trừ gia cảnh. Riêng đối với trường hợp bệnh hiểm nghèo để được đăng ký giảm trừ gia cảnh thì hồ sơ cần cơ sở y tế từ cấp Quận (Huyện) xác nhận.

Câu 21. Ngày 05/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2013, 2014.

Theo quy định tại Nghị định này, hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ hoặc cung ứng suất ăn ca cho công nhân sẽ được miễn thuế khoán năm 2013 và 2014 (thuế giá trị gia tăng (GTGT); thuế thu nhập cá nhân (TNCN)). Mức thuế khoán thuế GTGT, TNCN được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN. Như vậy, năm 2014 có còn áp dụng Nghị định này không?

Trả lời: Các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp được miễn thuế theo nội dung nêu trên phải cam kết giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ, phòng trọ, giá chăm sóc trông giữ trẻ hoặc giá cung ứng suất ăn ca trong năm 2013 và năm 2014 không cao hơn mức giá tháng 12 năm trước liền kề. Đồng thời, phải công khai, niêm yết các mức giá này tại cơ sở kinh doanh và thông báo cho chính quyền xã, phường nơi kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

(CTTS, cập nhật ngày 01/05/2017)

Đào tạo - Tập huấn

Xem tất cả

Thông báo